Cách đây dăm năm, trong một lần ngồi café sáng với chúa đảo Tuần Châu bên bờ vịnh Hạ Long, tôi hỏi ông: Với mỗi người, mỗi ngày đều chỉ có 24 giờ, vậy bằng cách nào anh kiếm tiền được nhiều thế mà trông vẫn thảnh thơi.
Ông nói đại ý: Với người khôn ngoan thường tìm cho mình một công việc, với người thông minh sẽ xây cho mình một hệ thống. Hệ thống đó tạo ra dòng tiền.
Để dòng tiền luôn tuôn chảy
Câu chuyện này rồi dần trôi đi cho tới một hôm tình cờ tôi được đọc một câu chuyện ngụ ngôn của người Italia như sau:
"Ở một ngôi làng nhỏ có hai người bạn trẻ tên là Bruno & Pablo, họ thường trao đổi với nhau để làm sao trở thành những người thành đạt nhất trong làng. Và rồi một ngày cơ hội đã đến với họ. Già làng đã thuê họ xách nước từ hồ nước trên núi cao về cho dân làng sử dụng. Hàng ngày họ làm việc chăm chỉ và tối đến nhận được tiền công của mình.
Bruno có thân hình to khỏe thì nghĩ rằng anh ta có thể sử dụng những thùng xách nước to hơn để được nhiểu tiền hơn. Còn Pablo thì gầy yếu hơn nên cảm thấy bất ổn. Vì vậy, anh nghĩ ra một cách làm thông minh hơn, để làm sao tiết kiệm sức lực và có nhiều tiền hơn.
Pablo nẩy ra ý tưởng và lập kế hoạch "Master plan" xây dựng đường ống để dẫn nước từ hồ trên núi chảy về làng. Anh đã trao đổi ý tưởng đó với Bruno và mời anh ta cùng cộng tác xây dựng đường ống. Bruno cho là viển vông và sẽ ảnh hưởng đến thu nhập hàng ngày của anh ta nên đã không đồng ý hợp tác.
Pablo đành phải thực hiện kế hoạch một mình. Hàng ngày anh vẫn đi xách nước với số lượng vừa phải để giữ sức. Anh dành sức lực còn lại để ngày thứ 7 và Chủ nhật xây dựng đường ống. Nhiều người cho rằng Pablo "điên rồ" và cười nhạo anh. Nhưng Pablo đã bỏ qua những lời chế nhạo đó và kiên trì kế hoạch của mình đã vạch ra.
Bruno với sức khỏe vượt trội đã xách những thùng nước to hơn và được nhiều tiền hơn. Anh đã có tiền để mua nhà và một con bò. Sau giờ đi làm anh thường đến các quán bar để uống bia, xả hơi.
Nhưng thời gian trôi đi, Bruno cảm thấy sức lực ngày càng yếu hơn và mệt mỏi hơn. Anh buộc phải xách những thùng nước nhỏ hơn trước, vì vậy mà thu nhập cũng giảm dần theo thời gian. Cơ thể Bruno già đi trông thấy vì phải làm thêm nhiều giờ và tăng khối lượng công việc.
Còn Pablo thì sau 2 năm kiên trì kế hoạch đã xây dựng xong đường ống dẫn nước từ trên núi về làng. Khi đường ống được xây dựng xong, Pablo không phải đi gánh nước nữa mà ngồi tại nhà thu tiền. Tiền chảy về túi của anh ngay cả khi anh đang ngủ hoặc đi chơi...".
Liên tưởng đến quan niệm của Chúa đảo, có thể thấy, Bruno là người khôn ngoan. Anh ta đã tìm thấy cho mình một công việc. Tuy nhiên, đó chỉ thuần túy là việc đổ mồ hôi đổi lấy tiền. Khi ráo mồ hôi, dòng tiền ngừng chảy. Bằng cách đó thì chúng ta thường phải đánh đổi sức khỏe, sắc đẹp, tuổi thanh xuân và sự tự do để lấy tiền.
Nhưng khi cơ thể xuống dốc, theo đó bệnh tật ập đến và chúng ta lại phải bỏ tiền ra để mua lại sức khỏe. Nhưng liệu tiền có mua lại được tuổi thanh xuân và sức khỏe không? Có những căn bệnh mà dẫu có nhiều tiền mà ta cũng không thể đánh đổi.
Còn trường hợp của Pablo, anh ta mới là người thông minh. Anh ta đã sáng tạo cho mình cả một hệ thống tạo ra thu nhập ổn định, dài hạn và nhàn nhã khi về già.
Với đời sống có muôn hình vạn trạng cách kiếm ra tiền, nhưng suy cho cùng cũng chỉ có hai cách cơ bản. Cách thứ nhất, dùng sức lực, kinh nghiệm để đổi lấy tiền bạc và cách thứ hai là xây dựng hệ thống tạo tiền.
Với doanh nhân thường họ không kiếm tiền theo cách thứ nhất mà thường là chọn cho mình cách thứ hai tức là xây dựng cho mình một hệ thống sinh lợi. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hệ thống tạo tiền thế nào có thể sinh lợi theo tỷ lệ nào lại là chuyện đáng bàn.
Liên tục đổi mới hệ thống?
Có doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu thị trường, đầu tư vốn liếng, xây dựng nhà máy, làm ra sản phẩm cung cấp cho thị trường. Dây chuyền sản xuất cũng chính là hệ thống tạo tiền cho doanh nhân. Vấn đề còn lại là anh chọn sản phẩm nào, được sản xuất với quy trình công nghệ ra sao và làm thế nào để tồn tại và chiến thắng trước các đối thủ cùng ngành hàng.
Chuyện nhà máy sản xuất đèn hình Orion Hanel, một doanh nghiệp có vốn đầu tư vài trăm triệu USD, sau hơn chục năm tồn tại đã nộp đơn xin phá sản cho thấy, chỉ cần chậm đổi mới đã có thể bị người tiêu dùng quay lưng lại và tự loại bỏ mình khỏi cuộc chơi.
Doanh nghiệp làm ăn theo kiểu "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" mà không phân tích kỹ nhu cầu thị trường, lợi thế cạnh tranh và quản lý hệ thống một cách khoa học, khi thị trường êm thuận thì không sao, gặp sóng to gió lớn như cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra đã không chống đỡ nổi. Hàng ngàn doanh nghiệp phá sản và đóng cửa trong thời gian qua có nguyên nhân đó.
Điều đáng nói là, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như một cơn lốc, cuốn phăng hàng trăm ngàn doanh nghiệp thì vẫn còn đó những tên tuổi, những thương hiệu không những bán trụ, giữ vững thị trường, mà còn đạt mức tăng trưởng ngoạn mục.
Một quần thể vui chơi giải trí Tuần Châu độc đáo bên bờ vịnh di sản thế giới 6 tháng đầu năm vẫn đón ngót nửa triệu khách du lịch và đạt doanh số hàng trăm tỷ đồng. Một café Trung Nguyên vẫn tiếp tục phát triển và tăng trưởng, Thực phẩm mang nhãn hiệu Kinh Đô vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường...
Để có một hệ thống tạo tiền vững chắc, không có cách nào khác phải biết cách thiết kế hệ thống độc đáo, bền vững. Hơn thế là việc bảo dưỡng nâng cấp hệ thống thường xuyên. Đừng tưởng rằng, khi anh đã có hệ thống tạo tiền là có thể kê cao gối mà ngủ trong chiến thắng. Bất cứ hệ thống nào khi vận hành sẽ bộc lộ những khiếm khuyết, những bất cập.
Với các doanh nhân thông minh là người biết khắc phục thường xuyên những khuyết tật đó. Không những thế phải nắm bắt những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật để nâng cấp hệ thống, có như thế mới nắm chắc phần thắng trong cuộc cạnh tranh.
Nhân ngày doanh nhân, khi đọc tài liệu về Network 21, trong đó gặp lại câu nói: Người khôn ngoan, tìm cho mình một công việc, người thông minh, xây dựng cho mình một hệ thống".
Theo Phan Thế Hải
VEF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét