Người ta cứ nói thiên tài bộc lộ sớm, thường sớm tàn lụi. Bởi vì sự thành công và nổi tiếng cũng có mặt trái của nó. Nhất là khi người ta còn quá trẻ, nhân cách chưa hoàn thiện. Áp lực của sự nổi tiếng làm nhân cách người ta bị méo mó. Áp lực của sự thành công làm người ta thui chột ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Cho nên người xưa đã tổng kết một câu: Thiếu niên anh tú thường thì về sau ít có nhiều thành tựu! Mà thực tế trong cuộc sống mà tôi thấy thì đúng như vậy!
Lớp tôi khi còn học tiểu học có một cậu bé hát rất hay. Khi tiếng hát của cậu bé ấy cất lên, tất cả đều im lặng. Khi tiếng hát ấy kết thúc là từng tràng pháo tay vang lên trong sự phấn khích cao độ. Những tiếng cười, tiếng khen nức nở của thầy cô giáo và bạn bè làm cậu ấy thẹn đỏ cả mặt. Cậu ấy không chỉ hát hay, mà còn có tướng mạo anh tú, tác phong rất đẹp. Và cậu ấy đã trở thành ngôi sao nhí của trường. Các bạn và thầy cô giáo đều rất yêu quý và ngưỡng mộ cậu ấy. Tác phẩm âm nhạc mà cậu ấy hát là bài: Tiến lên đoàn viên. Và năm đó lớp tôi đã được giải nhất trong cuộc thi văn nghệ toàn trường vì bài hát đó của cậu ấy. Vào năm sau, lớp tôi vẫn thống nhất cử cậu bé ấy đi thi văn nghệ. Cậu ấy vẫn hát bài: Tiếng lên đoàn viên với giọng ca vang vọng đầy hùng tráng. Cậu ấy vẫn đoạt giải nhất. Nhưng cá nhân tôi thấy cậu ấy hát không hay bằng năm trước. Khi vào học trung học cơ sở, đấy là vào năm lớp sáu, cậu ấy vẫn được lớp cử đi thi hát toàn trường. Và cậu ấy vẫn hát bài Tiến Lên Đoàn Viên với âm điệu kém hùng tráng hơn xưa rất nhiều. Lời ca của cậu bé ấy có phần tha thiết, run rẩy vì sợ sệt. Vì lớp tôi khi đó bé nhất trường, nên sau một hồi bàn bạc, các thầy cô vẫn quyết định trao giải nhất cho tiết mục đơn ca của cậu bé ấy. Cậu bé ấy tất nhiên là rất vui. Vào năm lớp bẩy, cậu bé ấy vẫn đại diện cho lớp đi thi hát toàn trường. Tác phẩm mà cậu ấy thể hiện vẫn là bài Tiến Lên Đoàn Viên. Nói thật tôi nghe cậu ấy hát bài ấy suốt từ cấp một đến cấp hai đã cảm thấy chán, và không còn cảm thấy hay nữa. Nhưng thầy cô và bạn bè trong trường vẫn thấy cậu ấy hát rất hay. Năm đó cậu ấy được giải hai trong tiết mục đơn ca của mình. Vào năm học lớp tám, cậu ấy xung phong thay mặt lớp đi thi văn nghệ trong trường. Không ai phản đối cậu ấy, vì cậu ấy đã có rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ của trường và địa phương. Tác phẩm mà cậu ấy dự thi vẫn là bài: Tiến lên đoàn viên. Nói thật thì tôi cảm thấy cậu ấy hát không còn hay nữa. Giọng ca của cậu ấy bây gờ rè, đục và có một chút nỗi buồn. Nó không còn đầy hào hứng, tươi vui, và ngập tràn hạnh phúc như khi cậu ấy hát lúc học tiểu học. Sau một hồi bàn bạc, nhà trường quyết định trao cho cậu ấy giải khuyến khích, để động viên tinh thần nhiệt tình về tập thể của cậu ấy. Năm học lớp chín cậu ấy vẫn đại diện cho lớp tôi đi thi, nhưng cậu ấy không đạt được giải gì. Cả lớp cũng không ai còn chú ý đến giọng hát của cậu ấy nữa. Việc này cũng dễ hiểu, vì cậu ấy đã bước vào tuổi dậy thì. Cậu ấy bị vỡ giọng. Và giọng ca của cậu ấy nghe rất khó chịu. Thế nhưng có vẻ như cậu ấy không nhận ra việc ấy. Khi vào học phổ thông, cậu ấy vẫn đứng lên toàn trường hát mỗi khi có dịp. Vào năm học lớp 10, người ta cố chịu đựng giọng ca của cậu ấy. Nhiều người than phiền vì bài hát Tiến Lên Đoàn Viên mà cậu ấy hát sao mà dài thế. Vậy là khi còn học tiểu học, khi cậu ấy hát xong, cả trường gào lên bảo cậu ấy hát lại vì hay quá! Vào năm học lớp 11, mỗi khi cậu ấy đứng lên toàn trường hát, nhiều người la ó, đòi cậu ấy phải xuống. Thành ra bài hát Tiến Lên Đoàn Viên cậu ấy hát thường bị bỏ dở. Khi lên lớp 12, mỗi lần cậu ấy bước lên toàn trường để hát, người ta phải lôi cậu ấy xuống như một tên tội phạm. Bởi vì lúc ấy giọng ca của cậu ấy trở lên rất khó chịu. Và khi người ta học lớp 12, người ta đã bước qua tuổi đoàn. Vì thế tác phẩm: Tiến lên đoàn viên của cậu ấy trở lên điên rồ! Mọi người lúc ấy ai cũng muốn tiến vào đại học. Người ta muốn tiến vào đảng viên. Giá cậu ấy biết thay đổi, biết mở rộng tư duy và khả năng ca hát của mình. Thì có thể cậu ấy đã là một người thành công trong lĩnh vực ca hát. Có lẽ bây giờ cậu ấy vẫn hát, nhưng cậu ấy không còn là người hát hay nữa. Cậu ấy đã trở thành một người hay hát! Tôi là người chứng kiến những thành công tột cùng, và thất bại thê thảm về giọng hát của cậu ấy. Tôi cảm thấy tiếc cho cậu ấy!
Tác giả: Phạm Thị Hợi
Đọc thêm các bài viết
<< Khôn ngoan với chữ thuậnvực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét