Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Lửa

    Tôi là học sinh khóa I của trường cấp II Phạm Hồng Thái. Năm 1965, tốt nghiệp xong tôi thi vào Trường Trung Cấp Y Hà Bắc khóa 16. Tôi vào trường học đúng vào thời kỳ đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Năm tôi thi tốt nghiệp cũng là năm quân y viện 110 về tuyển quân. Thấy các chị quân y mặc quân phục đẹp, thế là tôi thích luôn. Nhưng tôi chỉ có 40kg, năn nỉ mãi mới được "ưu tiên" thêm 2kg nữa. Thế là vừa đủ cân. Tôi nhập ngũ đúng ngày hiến chương các nhà giáo, 20 tháng 11 năm 1967. Buổi tiễn đưa vì thế càng thêm trang trọng và cảm động.

     Chúng tôi được đơn vị đưa về Nhã Nam huấn luyện trong 3 tháng. Ở đây ngoài việc học chính trị, chúng tôi học đội hình, đội ngũ, huấn luyện sử dụng vũ khí quân dụng và đặc biệt là huấn luyenj hành quân, dã ngoại. Báo động hành quân không theo một quy luật, giờ giấc nào cả. Có hôm bị " dựng" dậy từ 3 giờ sáng. Nam giới đã vất vả. Tôi là con gái càng vất vả hơn. Tôi chỉ nặng 40kg mà đeo đủ thứ trên người. Lại còn đút vào ba lô 4, 5 viên gạch. Những ngày đầu chưa quen người đau ê ẩm, hai bắp chân cứng đơ tưởng như không nhắc lên nổi. Nhưng rồi như các cụ nói: " Vạn sự khởi đầu nan". Tất cả rồi cũng qua. Quãng đường hành quân hai, ba chục cây số chỉ còn là " chuyện nhỏ". Đang ở cái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu mà lại. Ba tháng ấy đã rèn cho tôi vững về tinh thần, khỏe về thể lực. Sau này vào chiến trường tôi mới thấy nó quý biết chừng nào.
     Sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình chiến sự nóng lên mỗi ngày. Tháng 3 năm 1968 chúng tôi lên đường vào tuyến lửa. Từ Hà Bắc vào Vinh đi bằng ô tô. Từ Vinh vào thì hành quân bộ. Đi đúng một tháng thì đến binh trạm 14 đoàn 559, nơi tôi nhận công tác. Vừa đến binh trạm, tôi được điều động ngay ra trọng điểm ác liệt nhất.  Đó là Ngã ba cây số không Đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là binh trạm cửa khẩu rất quan trọng. Nhiệm vụ chính là vận chuyển lương thực,  vũ khí chi viện cho chiến trường. Tôi ở Binh trạm bộ từ 1968 đến năm 1970. Năm 1971 chuyên về Đội điều trị 52. Đội điều trị của chúng tôi như một bệnh viện dã chiến. Cũng có 2 ban nội, ngoại. Một bác sĩ trưởng khoa. Ấy là nói vậy cho rạch ròi chứ ở chiến tuyến thì làm tất.  Đội chúng tôi có 16 người thì 15 là nữ. Chỉ có 1 nam nhưng ... giờ nghĩ đến vẫn thấy buồn. Là nam nhưng là nam " còi", ốm yếu luôn nên thành ra chủ lực vẫn là 15 chị em chúng tôi. Công việc căng thẳng như dây đàn suốt đêm. Nhiều lúc Đội điều trị có đến 200 thương binh. Toàn nặng cả. Tính ra bình quân mỗi chị em phụ trách từ 10, 15 người. Chúng tôi là thầy thuốc nhưng cũng bị bệnh như mọi người. Gần như không một ai là không bị một lần sốt rét ác tính. Mặt xanh mét, chân tay run lẩy bẩy nhưng vẫn làm việc. Rồi khi bác sĩ trưởng ban chuyển đi, tôi y sĩ phải kiêm luôn ban trưởng. Nhiều lần chân tay ghẻ lở phải đeo găng đi khám. Lúc tháo gang ra, máu mủ nhầy nhụa, đau rát. Tôi không phải chuyên nghành mổ xẻ, nhưng rồi cũng mổ xẻ như một bác sĩ ngoại khoa thực thụ. Nhiều hôm vừa cưa chân, cưa tay cho đồng đội, vừa khóc. Không cưa thì chết. Không đủ thuốc gây tê. Anh em đau quá chửu thậm tệ nhưng chúng tôi vẫn nhẹ nhàng động viên. Thương lắm. Chiến tranh mà. Mà không phải chỉ chửi rủa, còn hăm dọa thầy thuốc nữa. Nếu là thời bình chắc không chịu nổi. Tôi luôn luôn đặt mình vào vị trí đó. Chân tay mình đang lành lặn thế này, bị thương, đau đớn, rồi bị cắt đi ... làm sao mà bình tĩnh cho được để động viên chị em thông cảm với các anh. Ngoài việc chữa trị tôi còn mở các lớp y tá tại chức cho các chị em nuôi quân. Nuôi quân thành y tá. Y tá có trình độ thành y sĩ. Chị em làm tất tật mọi việc. Khẩu hiệu lúc đó là " yếu còn hơn thiếu". Bây giờ nghe nói thế thì chắc không ai chấp nhận được. Ai dám đánh đổi mạng sống bằng tinh thần phục vụ kiểu " yếu còn hơn thiếu"? Nhưng lúc đó nó là vậy đấy. Và rất nhiều thương binh được cứu khỏi thần chết nhờ tình thương và bằng tinh thần phục vụ quên mình của chị em chúng tôi. Tôi ở binh tạm 14 ba năm, ba năm ở đội điều trị. Sáu năm với biết bao kỷ niệm vui, buồn, tự hào của một y sĩ quân y thời chiến. Có điều rất lạ là lúc nào kho khăn nhất là y như rằng trong đầu tôi lại vang lên bài thơ về người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái của nhà thơ Tố Hữu mà thầy Phú dạy văn tôi hồi lớp 7 ở trường cấp II đọc cho chúng tôi nghe. Bài thơ và cái chết bất khuất của người chiến sĩ cách mạng mà trường tôi mang tên đã nâng đỡ động viên tôi rất nhiều.
     Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất và cũng là đau đớn nhất là lần bom đánh trúng vào phân khu C. Bom đạn chồng lên bom đạn. 15 chị em chúng tôi chạy đi cấp cứu đưa anh em vào khi hầm âm. Thương binh nằm ngổn ngang, máu me chảy lênh láng. Nhiều chị em choáng ngất. Tôi cắn răng lấy lại bình tĩnh hướng dẫn chị em khiêng những thương binh còn sống ra hầm chữ A, băng bó cấp cứu. Xong đâu đấy chị em chúng tôi vào niệm anh em mất. Vì đường nhỏ không thể khiêng vác được bèn lấy tăng bọc anh em lại rồi đưa xuống suối, cùng nhau kéo ngược lên nơi đất cao lũ quét không thể tới được để chôn cất. Chôn xong, chúng tôi ngồi lặng lẽ khóc rồi dìu nhau trở về Đội đều trị. Chết như các anh thì chết vẫn như sống.
     Một  kỷ niệm nữa thuộc chị em nữ chúng tôi. Bây giờ kẻ lại vẫn thấy xót xa. Hồi đó chiến tranh, thanh niên ra chiến tuyến tất. Binh trạm chúng tôi toàn nữ đang ở tuổi 20. Tuổi trẻ căng đầy sức sống và khát khao yêu đương. Kỷ luật ở chiến trường rất khắc khe. Ức chế, căng thẳng ... luôn luôn thường trực trong tâm lý chị em. Nhiều lúc cái " bản năng ấy" trỗi dậy. Thương lắm mà không làm gì được. Tôi nhớ có một em tên Nguyễn Thị Ty, quê ở Hưng Yên, mắc một chứng bệnh rất kỳ lạ. Ban ngày em làm việc bình thường, chăm sóc bệnh nhân chu đáo nhưng lặng lẽ như một cái bóng. Tối đến là không thấy em đâu. Tôi sợ em ra rừng gặp gỡ ai mà trên phát hiện ra thì khổ. một đêm tôi theo em vào rừng. Tôi sợ đến bủn rủn chân tay. Em đuổi theo những con đom đóm, bắt lấy và cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Mồm miệng xanh lét lân tinh. Tôi gọi. Em chạy. Hai chị em đuổi nhau. Tôi đuổi kịp, ôm em vào lòng, vỗ về, nựng em, lau sạch lân tinh quanh miệng. Một lúc sau thì em tỉnh. Hai chị em rìu nhau về. Tôi vừa ôm em vừa lặng lẽ khóc. Lúc đó tôi cũng không hiểu đó là bệnh gì, sau này đọc tài liệu tôi mới biết đó là bệnh Hysteria - còn gọi là bệnh tâm căn, thường xảy ra ở nữ giới trẻ tuổi trong điều kiện sống căng thẳng, thiếu vắng đàn ông. Bệnh rất dễ lây lan thàn hội chứng tập thể. May mà ở chỗ tôi không xảy ra điều đó.
      Trong thời gian ở Đội điều trị có rất nhiều tấm gương không khác gì anh La Văn Cầu trong kháng chiến chống Pháp. Tôi chỉ kể một trường hợp  ấn tượng nhất, cảm động nhất, đó là hôm tôi và chị em phải cắt một chân cho một thương binh. Cắt đến đùi. Không có thuốc gây mê. Chỉ có thuốc gây tê tại chỗ. Mà cũng không đủ liều. Tôi biết đau lắm. Tôi động viên anh: " Em sẽ cố gắng làm thật nhanh. Anh gắng chịu nhé!"  Còn anh thì đùa tếu: " Cứ cắt đi em ạ. Mùa xuân nó sẽ mọc lại thôi. Như cắt cái cành cây ấy mà". Chúng tôi cười như mếu. Vừa cưa vừa khóc. Chỗ xương rập kêu lạo xạo. Anh ngất đi ..." Chiến tranh đâu phải trò đùa". Thật đúng! Đấy là tấm gương kiên cường, dũng cảm mà chị em chúng tôi không bao giờ quên.
     Trong số 15 chị em, có lẽ tôi là một trong những người may mắn nhất. Không ai ngờ trong lửa đạn mù trời giữa năm 1973 ác liệt nhất tôi lại gặp được ôột nửa của tôi, gặp được bờ vai của một người chiến sĩ lái xe để tôi nương tựa. Đám cưới chúng tôi đúng vào ngày Đại hội mừng công. Niềm vui càng được nhân lên gấp bội.
     Tôi kẻ lại những kỷ niệm " Một thời hoa lửa" của cả dân tộc, trong đó có toi. Xin được coi đây như một " thành tích" của cô trò nhỏ cách đây trên nửa thế kỷ, báo công với thầy cô, và " khoe" với bạn bè rằng tôi đã sống, đã làm việc nơi tuyến lửa xứng đáng với ngôi trường mang tên người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái mà tôi đã học thuở thiếu thời.
                                                   Tác giả: Nguyễn Thị Vinh

Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét