Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Tên


         Phùng Quang Thanh, sinh năm 1949 trong một gia đình nông dân nghèo tại vùng châu thổ sông Hồng thuộc xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội. Từ nhỏ Phùng Quang Thanh đã rất tự hào về quê hương mình, nơi hai bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân giành được thắng lợi và định đô ở Mê Linh. Câu thơ trong trang sách học trò lúc nào cũng in đậm trong tâm hồn anh:

       " Bà Trưng quê ở Châu Phong
         Giận quân tham bạo, thù chồng chẳng quên
         Chị em nặng một lời nguyền
         Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
         ....
         Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh
         Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta ..."
         Lớn lên anh lại được học trong ngôi trường mang tên liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người thanh niên yêu nước, đã dũng cảm mang bom vào khách sạn Vich-to-ri-a ở Quảng Châu - Trung Quốc, ghiết tên toàn quyền Méc-lanh.
        Tấm gương của Hai Bà Trưng, của Phạm Hồng Thái đã hun đúc tinh thần yêu nước trong anh. Anh luôn luôn mơ ước trở thành anh bộ đội cụ Hồ, cầm súng tiêu diệt kẻ thù xâm lược. Và rồi, mơ ước đó đã trở thành sự thật. Ngày 23 tháng 7 năm 1967 anh lên đường nhập ngũ. Ngay năm sau, năm 1968 anh tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, làm nhiệm vụ trinh sát. Nhiều lần anh cùng tổ trinh sát vào căn cứ địch điều tra tình hình, giúp cấp trên chỉ huy tác chiến thắng lợi. Với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ngày 11/6/1968, Phùng Quang Thanh được kết nạp vào Đảng.
        Đầu năm 1971, Phùng Quang Thanh trực tiếp chỉ huy một tiểu đội là mũi chủ yếu, chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng đại đội 33 thám báo ngụy, có máy bay yểm trợ, chia hai mũi tiến công chốt. Anh bình tĩnh chỉ huy tửng tổ chờ địch vào thật gần mới nổ súng. Kết quả tiểu đội anh tiêu diệt 38 tên địch, giữ vững chốt. Riêng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên. Đây là trận chiến đấu mở màn cho Trung đoàn 64, được Trung đoàn nêu gương là trận đánh nhanh, diệt gọn, đạt hiệu suất cao, gây khí thế thi đua giết giặc lập công trong toàn trung đoàn.
       Hai ngày sau, ngày 13 tháng 2 năm 1971, địch lại tiến công chốt. Tuy bị thương ( một mảnh pháo găm vào bả vai trái, tay trái không cử động được, cấp trên cho về tuyến sau) nhưng anh nghĩ đến trách nhiệm của một cán bộ chỉ huy trung đội, lại là đơn vị chủ công đánh quân đổ bộ đường không, không thể rời trận địa lúc này, nên kiên quyết xin ở lại chỉ huy trung đội chiến đấu. Súng không dùng được nữa, để khắc phục khó khăn do vết thương gây nên, Phùng Quang Thanh nhờ chiến sĩ tháo nắp sẵn 17 quả lựu đạn cho vào túi đựng cơm vắt, vào bọc đựng trang bị phòng độc rồi đeo quanh người cho anh, lại nhờ y tá băng đeo cánh tay trái cho đỡ vướng. Anh bàn bạc cùng anh em kế hoạch đánh địch rồi dẫn đầu trung đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, đánh hất địch xuống mỏm 1 và 2, rồi lại phối hợp với đơn vị bạn đánh chiếm mỏm 3, diệt gọn một đại đội địch. Riêng trung đội Phùng Quang Thanh diệt 37 tên, bắt 1 tên, thu 2 súng, góp phần cùng tiểu đoàn tiêu diệt tiểu đoàn 6 dù ngụy. Đây là trận đánh tiêu diệt điển hình của chiến dịch, điển hình cả về chiến thuật đánh quân đổ bộ đường không. Trận này đồng chí Phùng Quang Thanh trực tiếp diệt 11 tên địch, bắt sống một tên, thu 1 súng. Kết thúc chiến dịch, đơn vị bình công, đồng chí được anh em nhất trí bầu là chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ quyết thắng, được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhì.
       Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, anh cùng đoàn dũng sĩ miền Nam ra miền Bắc báo cáo thành tích chiến đấu và ngày 20/9/1971 người dũng sĩ trên Đồi Không tên năm xưa được  phong danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
      Trưởng thành từ người lính, qua từng cấp bậc chỉ huy, lăn lộn hết các chiến trường, giờ đây anh đã là Thượng Tướng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Bí Thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam. Chức vụ cao, trách nhiệm nặng nề song trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường anh là một người khiêm tốn, giản dị, sống hòa đồng với mọi người rất được đồng đội và nhân dân qúy mến, tin yêu.
                                              Theo thiếu tướng Lê Mã Lương 
                                     Trong cuốn " Những kỷ vật kháng chiến" tập 4
                                            của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam,
                                        
  Xem thêm các bài viết
                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét