Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Đi

        Bước sang thế kỷ thứ XXI, thế kỷ của tri thức, thế kỷ của tình yêu, ước mơ và khát vọng. Sắc màu trên dải đất hình chữ S ngày càng lung linh như một hòn ngọc nằm ven bờ Biển Đông. Trên dải đất đó, con người Việt Nam đang ấp ủ bao hoài bão sau hàng trăm năm bị đô hộ và chiến tranh.

       Nếu như xưa có khát vọng:
         .... " Dù nghèo độc lập cũng vui
         Cơm ăn muối trắng cũng bùi, cũng ngon ."
thì ngày nay, nước đã độc lập, dân đã tự do, đời sống tinh thần ngày càng phong phú và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống.
        Trong bối cảnh ấy, ngày 30 tháng 6 năm 2001 lần đầu tiên cự thầy trò Trường cấp II Phạm Hồng Thái huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cùng nhau về gặp mặt tại ngôi trường xưa. Và từ đó đến nay thầy trò đã nhiều lần tổ chức về thăm trường cũ và đi tham quan các danh lam, thắng cảnh của đất nước.
       Nhớ lại, ngày trường mới thành lập, gần 300 học sinh của 9 xã phía bắc huyện Yên Lãng. Vĩnh Phúc, và gần hai chục thầy cô quê ở các tỉnh: Thanh Hóa, Sơn Tây, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc - hầu hết vừa mới tốt nghiệp trung cấp sư phạm được điều về giảng dạy tại Trường cấp II Phạm Hồng Thái.
      Sau 40 năm xa cách, nay không biết các thầy cô, các em đi học sinh ngày ấy bây giờ làm gì, ở đâu? Ai còn, ai mất, để thông tin cho mọi người biết về họp mặt. Rồi điều kiện đi lại, tuổi tác, công việc gia đình, việc xã hội ... liệu có bao nhiêu người về dự?
      Nhưng, những khó khăn đó không làm giảm ước mơ và mong muốn của cựu thầy và trò, những người đầy tâm huyết, quyết tâm tổ chức buổi họp mặt đầu tiên vô cùng khó khăn nhưng chan chứa tình người.
      Hôm ấy trời nóng như đổ lửa. Hàng trăm con người từ miền ngược (Hà Giang, Lào Cai) đến miền xuôi ( Quảng Binh, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội ...) đã vượt qua hàng trăm cây số; vượt qua cái oi ả, nóng nự của mùa hè; vượt qua bao bộn bề của cuộc sống, cùng nhau trở về ngôi trường cũ với biết bao nhiêu kỷ niệm của một thời trai trẻ, một thời ấu thơ của tuổi học trò ... để mong được gặp lại thầy cô, bè bạn, ôn lại những kỷ niệm của một thời gian khổ nhưng rất đậm tình người của cái ngày xưa ấy! Có nhiều em tuy không trực tiếp nhận được thông báo chỉ nghe bạn bè nói cũng hăm hở rủ nhau  về dự. Kết quả tốt đẹp ngoài sự mong đợi.
      Thầy Lê Xuân Quý ở Thanh Hóa. Thầy bị say xe, không đi được ô tô, nhưng thầy nói với vợ con: " Trường cấp II Phạm Hồng Thái là nơi tôi bắt đầu khởi nghiệp. Ở đó tình đồng nghiệp, tình thầy trò, tình cảm của nhân dân Thạch Đà là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và giúp tôi trưởng thành như ngày nay. Đây là cơ hội để tôi gặp lại những người của " Một thời để nhớ" ấy, cho nên tôi nhất định phải đi".
      Nghe bố nói vậy, anh con trai cả của thầy sốt sắng: " Con sẽ sắp xếp việc nhà để đưa bố đi". Thế là hai bố con vượt hơn 200 cây số bằng xe máy trở về với mái trường xưa. Tâm nguyện của thầy Quý, cũng là tâm nguyện của các thầy cô và các em học sinh đối với cuộc gặp mặt đáng quý và cảm động này.
       Lâu ngày, thầy trò, bè bạn gặp nhau  thật nghẹn ngào, xúc dộng, bất chấp cái nắng hè gay gắt. Dưới bóng cây, trong sân trường từng tốp, từng tốp đứng ngồi, dốc bầu tâm sự. Ai cũng thả hồn mình vào những  kỷ niệm xưa ... Có thể nói, buổi gặp mặt ngày 30 tháng sáu năm 2001 đã đánh thức, khơi nguồn, bồi đắp tình thầy trò, tình bè bạn rất trong sáng và cao đẹp mà thầy trò đã tạo dựng được từ những năm đầu thành lập trường.
      Giờ đây, tình cảm đó được nhân lên như những mạch nguồn chảy trong mỗi con người; thắp sáng tình thương  yêu của thầy, phẩm hạnh tôn sư trọng đạo của trò. Tình cảm đó luôn được giữ gìn, vun đắp sáng đẹp như một bức tranh. Bức tranh ấy đã và đang được cựu thầy trò trường THCS Phạm Hồng Thái tô thêm những sắc màu mới, những đường nét mới mộc mạc mà vẫn lung linh, bình dị mà vẫn sâu lắng, có sức lan tỏa rất lớn.
      Cuộc gặp mặt của cựu thầy trò lần thứ 2 ngày 31/6/2007 và lần về dự Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, tình thầy trò lại được nâng lên một cung bậc mới cao  hơn, sáng đẹp hơn. Cuốn " Trường cấp II Phạm Hồng Thái - Một thời để nhớ: của cựu thầy trò ra đời năm 2008 không những là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại mà còn là " sợi chỉ hồng" gắn kết tình cảm của thầy trò thêm bền vững.
       Giải thưởng mang tên Liệt sĩ Phạm hồng Thái, do ban liên lạc cựu thầy trò của Trường lập ra để tặng thưởng cho thầy giáo và học sinh xuất sắc nhất, nhằm động viên các thầy cô giáo, các em học sinh của trường quyết tâm tiếp nối xứng đáng truyền thống " Dạy tốt, học tốt" của cha anh, thể hiện tình cảm, sự tri ân của cựu thầy trò đối với nhà trường; với quê hương đã một thời nuôi dưỡng mình trưởng thành.
      Nếu như, trong những lần về gặp mặt, thầy trò chỉ có thời gian chuyện trò, thăm hỏi ôn lại kỷ niệm xưa, thì những lần đi tham quan các danh lam thắng cảnh mọi người có dịp trải lòng mình với thầy, với bạn bè về cả những chuyện riêng tư, những vẻ đẹp của thiên nhiên hung vĩ và bàn luận về những bài thơ, những áng văn hay thầy trò cùng yêu thích.
      Từ những chuyến đi thăm Vịnh Hạ Long với hàng nghìn đảo, hang động lớn nhỏ, kỳ thú được xếp vào bảy kỳ quan mới của thế giới; hồ Núi Cốc thơ mộng với câu chuyện tình huyền thoại đầy lãng mạn của Nàng Công, Chàng Cốc, đến những công trình xây dựng mang tầm vóc lịch sử: Nhà máy thủy điện Hòa Bình ... tất cả đã tạo nên những xúc cảm mạnh mẽ không thể nào quên, làm cho tình cảm thầy trò thêm sâu sắc, gắn bó.
      Chuyến đi Lam Kinh thăm thầy Lê Xuân Quý và thầy Lê Danh Báu vào cuối thu 2013 là một chuyến đi đặc biệt. Nó đặc biệt vì có nhiều thầy, nhiều trò cùng đi nhất; thăm thầy giáo cũ ở xa nhất. Đến thăm gia đình, mỗi thầy có một cách biểu hiện tình cảm với đoàn theo cách riêng của mình. Thầy Qúy trang trí ba gian nhà tiếp đoàn như một phòng triển lãn nhỏ. Thầy chỉ tay lên những khung ảnh treo trên tường, xung quanh nhà giới thiệu: " Đây là tấm ảnh chụp hàng trăm thầy  trò đi tham quan Tam Đảo; đây là ảnh các thầy chụp với cựu học sinh, Anh hùng LLVT, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường, tôi treo ở vị trí trang trọng nhất. Còn đây là ... đây là ... Tất cả những tấm ảnh đó tôi giữ gìn như một báu vật. Tôi treo lên tường để hàng ngày tôi nhớ tới một vùng quê có những con người thân yêu của tôi, xa cách nhau 40 -50 năm vẫn dành cho tôi những tình cảm tốt đẹp, rất thân thương và gần gũi". Còn thầy Báu trong buổi tiếp đoàn đến thăm, thầy nói một câu rất ngắn gọn nhưng hàm chứa một tình cảm thật sâu sắc và xúc động: " Các thầy và các em có cho tôi bao nhiêu tiền, tôi cũng không quý bằng các thầy, các em đi mấy trăm cây số đến thăm tôi và gia đình. Vì tiền của không thể thay thế được tình cảm đặc biệt quý báu này ...".
       Câu nói của thầy Báu làm cho tôi nhớ lại câu nói của em trưởng đoàn học sinh Trường cấp II Bắc Lý, Lý Nhân, Hà Nam xưa, đang công tác ở Hà Nội, rủ nhau đi thăm khu du lịch Đại Lải, Vĩnh Phúc. Khi gặp đoàn cựu thầy trò Trường cấp II Phạm Hồng Thái chụp ảnh lưu niệm tại khu Rừng Trúc, trên đảo Ngọc ở Đại Lải, em nói: " Chúng cháu kính phục các cụ. Năm mươi năm rồi mà thầy trò vẫn tổ chức được những chuyến đi đông vui, tình cảm như thế này. Mong rằng thế hệ chúng cháu sau này cũng được như các cụ ... Chúng cháu xin phép được chụp chung với các cụ tấm ảnh làm kỷ niệm". Còn Giám đốc nhà nghỉ BCHQS thị xã Sầm Sơn trong buổi tiếp đoàn nói ... " Nhà nghỉ của chúng cháu đã đón tiếp rất  nhiều đoàn, nhưng không có đoàn nào  đặc biệt như đoàn của các cụ. Năm mươi năm rồi mà thầy trò vẫn gắn bó, thân mật với nhau như anh em ruột thịt thì thật không gì quý bằng".
      Mọi thứ, kể  cả tiền tài danh vọng rồi cũng sẽ qua đi, cũng trở thành hư vô. Cái còn lại mãi mãi là tình nghĩa. Tình nghĩa của thầy và trò Trường cấp II Phạm Hồng Thái từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước đến nay như là một vườn hoa đẹp ngát hương thơm. Tôi tin rằng vườn hoa đó sẽ mãi mãi tươi xanh, rực rỡ vì chảy trong đó là mạc nguồn của đạo lý thầy trò, của nghĩa tình bè bạn.
                                         Tác giả: Nguyễn Văn Can
                         Nguyên hiệu trưởng đầu tiên trường cấp II
                                              Phạm Hồng Thái

Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét