Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

       Lần gặp mặt thứ hai, ngày 24/6/2007, của cựu thầy giáo và học sinh Trường cấp II Phạm Hồng Thái, tôi mới có điều kiện về dự được. Trong không khí đầm ấm của tình cảm thầy trò, bè bạn gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, tôi có một niềm vui riêng. Đó là việc thầy Phùng Ngọc Liên, thầy chủ nhiệm tôi trong suốt quá trình học cấp II, gửi cho tôi tấm ảnh chụp đội bóng đá của trường, trong ảnh có tôi, một thành viên của đội bóng. Tấm ảnh chụp đôih bóng, có trò, có thầy, 16 người tất cả. Tôi rất vui mừng vì thấy lại mình ở tuổi học trò , 16 cách đây tròn 45 năm. Tôi rất cảm động vì thầy chủ nhiệm của tôi đã giữ gìn tấm ảnh ấy ngót một phần hai thế kỷ, giờ trao lại cho tôi. Điều đó cho thấy thầy nhớ đến cả những sở thích riêng của học trò.

       Thỉnh thoảng tôi lại giở tấm ảnh ra xem. Và mỗi lần như thế những kỷ niệm xưa về thầy cô, về bạn bè, về mái trường lại ùa về trong tôi với biết bao tình cảm đầm ấm của tuổi ấu thơ. Ngày ấy, tôi thuộc diện " nhỏ con", dáng vẻ " thư sinh" nhưng nhanh nhẹn và đá khá hay nên được các thầy tuyển chọn vào đội bóng đá của trường. Đi thi đấu hoặc giao hữu ở đâu tôi cũng được xếp vào đội hình chính thức với chân tiền đạo cánh trái. Đương nhiên là tôi không phụ lòng tin của các thầy và các bạn. Phải nói rằng, ngày đó phong trào TDTT ở trường tôi rất tuyệt. Nam chơi bóng  bàn, bóng đá, xà kép, đẩy tạ ... Nữ chơi bóng chuyền, nhảy dây, nhảy cao, nhảy xa, cầu thăng bằng ... Chính những hoạt động thể thao đó đã làm cho quan hệ thầy trò gần gũi, thông cảm, yêu thương nhau như người thân trong gia đình. Với riêng tôi sự đam mê thể thao đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong học tập công tác. Tôi cũng nhận ra rằng chính các thầy, trong đó có thầy hiệu trưởng, rất đam mê thể thao và các hoạt động xã hội, lại cũng là các  thầy giảng dạy rất hay được học sinh rất yêu quý, kính trọng. Bài học đầu tiên ấy đã theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi nghiệm ra rằng dù làm bất cứ công việc gì cũng phải có lòng nhiệt tình, cũng phải có sự đam mê. Ba năm học cấp III, bốn năm học đại học, và sau này ra công tác tôi càng nghiệm thấy điều đó là hoàn toàn đúng. Ở cấp III, ở đại học, tôi vẫn giữ được sự đam mê ấy và vẫn có " một chân" trong đội bóng đá của nhà trường.
       Năm 1971, tốt nghiệp đại học, tôi được điều lên công tác ở ty lâm nghiệp tỉnh Hà Giang. Ở đây, vừa công tác vừa tham gia vào đội bóng đá của Ty lâm nghiệp đồng thời cũng là một cầu thủ "có hạng" trong đội tuyển bóng đá của tỉnh. Nhờ hoạt động TDTT mà sức khỏe  của tôi rất tốt. Bài học về sự đam mê của các thầy hồi tôi học cấp II truyền cho đã giúp tôi hoàn thành xuất sắc công việc. Năm 1975 tôi được kết nạp  vào Đảng cộng sản Việt Nam tại ty lâm nghiệp Hà Giang. Những hoạt động sôi nổi  và có hiệu quả của tôi được Bộ lâm nghiệp " nhìn thấy". Năm 1976 tôi được Bộ điều về công tác ở cục kiểm lâm trung ương. Năm 1982, sau hai năm học ở Trường Nguyễn Ái Quốc, tôi được điều về công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng làm nhiệm vụ nghiên cứu về cây ngắn ngày, cây dài ngày ở vùng núi Tây Ngyên, Tây Bắc.
      Năm 1987, tôi được cử đi nghiên cứu sinh làm luận án phó tiến sĩ ở Nga. Năm 2002 về nước, tôi được giao trọng trách: Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ địa phương Trung ương Đảng. Năm 2006, tôi được giao nhiệm vụ Chánh van phòng Ban cán sự Đảng Chính phủ cho đến khi về nghỉ hưu.
      Như tôi đã nói ở trên, khi nào học tập và công tác đạt kết quả tốt là khi đó trong lòng mình cháy bỏng sự đam mê. Đam mê học tập, đam mê công việc, đam mê sống và cống hiến. Không có đam mê, không làm được việc gì cho nên hồn cả. Bài học đầu đời ấy là nhờ những ngày tháng tôi học ở Trường cấp II Phạm Hồng Thái nơi ươm mầm cho những đam mê, nơi tôi được các thầy, các bạn nâng đỡ, vun đắp, bồi dưỡng. Bài học ấy tôi không thể nào quên được.
      Tôi viết những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với quê hương, mái trường và bè bạn; đặc biệt là đối với các thầy cô, những người đã dạy dỗ và truyền cho tôi niềm đam mê để thực hiện những hoài bão và lý tưởng cao đẹp của đời mình.
                                             Tác giả: Tiến sĩ Phùng Viết Điều 
Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét