Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

khởi

     Mùa thu 1961, sau khi tốt nghiệp khóa đầu trường Sư phạm Trung cấp Thanh Hóa, tôi được phân bổ ra công tác tại Ty Giáo dục Vĩnh Phúc. 22 tuổi, ở quê nhà, tôi làm được nhiều việc của người nông dân. Với kiến thức học được ở trường phổ thông và sư phạm vào loại khá, tôi sẽ là một giáo viên cấp 2 đầy tự tin ở xứ Thanh. Thế còn phải xa gia đình vài trăm cây số đến nơi đất khách quê người thì quả là vô cùng bỡ ngỡ, khó khăn. Nhưng như bao bạn thanh niên khác đã xác định đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần. Thế là ba lô trên lưng tôi ra Vĩnh Phúc.

     Chuyến tàu 12 giờ 8 phút ngày 02/9/1961 đưa tôi từ ga Hàm Rồng đến ga Hà Nội lúc đường phố đã lên đèn. Chao ôi! Hà Nội sao mà đông người đến thế! Đúng rồi, hôm nay là ngày Quốc khánh đông người là phải. Tôi ngơ ngác đi tìm nhà trọ! Làm gì biết đường mà tìm? Nhờ ông xích lô chở đến nhà trọ nào cũng thấy biển ghi hết chỗ! Thất vọng. Đánh liều đến bờ hồ Hoàn Kiếm ngồi xem bắn pháo hoa. Xác định sẽ thức thâu đêm với người Hà Nội trong ngày tết Độc Lập, rồi mai lên Vĩnh Phúc. Đó là đêm xa quê đầu tiên. Mệt nhưng mà vui. Vì là lần đầu được xem bắn pháo hoa. Lại ngay bên bowg Hồ Gươm, giữa thủ đô Hà Nội. 9 giờ sáng hôm sau tôi đã có mặt tại Ty Giáo dục Vĩnh Phúc. Được Ty đón tiếp, báo cơm cho ăn tại cơ quan, sáng 4/9 cũng tờ quyết định theo tôi từ Thanh Hóa được trao lại nhưng có thêm dòng chữ viết tay ở góc: về cấp II Thạch Đà, Yên Lãng. Tôi lại lên tàu trở lại Phúc Yên rồi cuốc bộ 10 km về trường. Xa gia đình đã mấy ngày nhưng tôi còn chờ công việc ổn định rồi mới viết thư, chắc là phải nửa tháng thì bố mẹ và người thân trong gia đình mới hết nóng lòng chờ đợi.
      Nghĩ lại, giá như bây giờ, cứ đến đâu là điện thoại đến đó thì có việc gì phải kể lể như trên. Đằng này giao thông khó khăn, điện đài không có, thiếu thốn trăm bề. Bù lại, tôi đã được sống trong một gia đình sư phạm, một tập thể  giáo viên toàn thanh niên đầy nhiệt huyết với hành trang kiến thức hoàn toàn mới từ các trường sư phạm Bắc Giang, Hà Đông, Thanh Hóa ... một hội đồng giáo dục rất đồng bộ và rất khỏe. 15 giáo viên từ nhiều tỉnh thành về đây hội tụ. Toàn nam giới mà sao cuộc sống không thấy khô khan. Có thể nói lúc nào cũng vui tươi bởi họ sống trong tình yêu thương, đùm bọc của nhân dân Thạch Đà và luôn nêu cao khẩu hiệu " Tất cả vì học sinh thân yêu".
      Tôi được sắp xếp trọ cùng thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Can. Trong chuyên môn được thầy giúp đỡ, trong tu dưỡng, sinh hoạt thì cùng ăn một mâm, cùng ngủ một giường gần hai năm học tôi ssx lớn lên nhiều mà chỉ sau này khi được làm hiệu trưởng  tôi mới thấy hết điều đó. Tôi thầm cảm ơn thầy hiệu trưởng cùng tập thể giáo viên nhà trường đã giúp đỡ tôi, nâng bước tôi đi trong những ngày đầu lập nghiệp.
      Năm năm làm giáo viên Trường cấp II Phạm Hồng Thái, có quá nửa thời gian sống trong khu tập thể nhà trường nhưng lúc nào cũng gần dân, bởi ngoài việc giảng dạy trên lớp tôi còn phải giúp học sinh học ngoài giờ, chỉ đạo tổ học sinh lao động trong hợp tác xã măng non ... tham gia giúp hợp tác xã nông nghiệp thu chiêm, làm mùa theo kế hoạch của huyện. Có thể nói, qúa trình sống  ở Thạch Đà đã luôn được dân tin yêu và tận tình giúp đỡ. Tình cảm của nhân dân Thạch Đà và các xã trong khu vực có học sinh ở trường luôn là nguồn động viên tôi cùng các thầy cô vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ vậy trong 5 năm tôi đã bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi Toán, trong đó có 2 em tham dự kỳ thi học sinh giỏi lớp 7 toàn miền Bắc.
        Giờ đây, Trường cấp II Phạm Hồng Thái đã ở tuổi 50, tầm vóc nhà trường đã lớn lên rất nhiều. Nhớ lại, từ mái trường này tôi đã trưởng thành, rồi làm công tác quản lý nhiều trường ở huyện Yên Lãng và ở Thanh Hóa quê tôi. Tôi chân thành cảm ơn các bạn đồng nghiệp, cảm ơn " Thạch Đà quê hương yêu dấu" thứ hai của tôi, ở đây tôi đã có " Một thời để nhớ".
                                               Tác giả: Lê Xuân Quý

Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét