Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Khát

 " Tôi luôn mơ đến một ngày Hà Nội trong veo không khói xe cơ giới, phố xá thanh bình với hững vòng quay của xe đạp ..." - Ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thống Nhất, là một người dám mơ ước và theo đuổi đến cùng giấc mơ của mình, cho dù có lúc không tránh khỏi đơn độc hoặc lạc điệu với thời cuộc''.

     25 năm trong chuỗi biến thiên của lịch sử chỉ như một chớp mắt. Nhưng với một đời người lại là một chặng đường đủ dài để ghi nhận, trải nghiệm những thăng trầm, những được và mất ... Ông Nguyễn Hữu Sơn không phải người hay thay đổi. 14 năm quân ngũ và sau đó là gần 25 năm gắn với " nghiệp xe đạp", đủ thấy, độ kiên nhẫn và sức bền của ông đến đâu. Ông đã chứng kiến sự hưng thịnh của chiếc xe đạp Việt như một phương tiện di chuyển không thể thiếu khi mà cuộc sống còn nhiều khó khăn. Rồi ông cũng chứng kiến sự khốn khó của thân phận xe đạp Việt khi hàng nhập lậu Trung Quốc tràn về, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất xe đạp trong nước lụn bại và tan rã. Ông và Thống Nhất phải kiên cường và sáng tạo để tìm ra lối đi cho mình nhằm đưa thương hiệu  có bề dày lịch sử hơn 50 năm không chỉ qua khúc khó khăn mà còn tiến lên phía trước ...
       Tôi nhớ, cái thời  nền kinh tế chuyển mình mở cửa đầy khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên trông thấy, chiếc xe đạp thất thế để nhường chỗ cho sự chạy đua sắm sanh những chiếc xe máy. Rồi sau đó là ô tô ... Phố xá đông vui và phố  xá cũng ách tắc, ô nhiễm theo tỷ lệ thuận của sự xuất hiện các loại xe cơ giới ...
        Ở cái thời hoàng kim tăng trưởng đến chóng mặt của xe máy, rồi sau đó là ô tô, chiếc xe đạp dường như bị đẩy xuống thứ yếu trong đời sống cũng như trong hệ thống chính sách, ông Sơn cũng chưa bao giờ từ bỏ khát vọng đưa xe đạp trở lại đời sống cộng đồng. Tự nhủ - có đi ắt có đến - ông lại bền bỉ theo cách riêng để chèo lái doanh nghiệp gia tăng giá trị cho chiếc xe đạp Thống Nhất, để đưa nó vượt ra ngoài biên giới, lăn bánh trời Âu và nhiều nước khác nữa ...
      Những Vòng Quay Trở Lại
      Là một người chịu khó đi, ông từng đặt chân đến nhiều nước trên thế giới. Mắt thấy và không thể không trăn trở, khi mà , càng những nước phát triển, chiếc xe đạp càng có vai trò trong đời sống cộng đồng. Không chỉ dân thường mà cả những nhân vật VIP cũng lựa chọn xe đạp như một lời tuyên bố cá nhân về bảo vệ môi trường, tuân thủ lối sống xanh. Ấy thế mà ở quê hương mình, đi xe  đạp vẫn đồng nghĩa với thân phận thấp kém hơn trong xã hội. Thay đổi nhận thức ấy quả là không dễ, nhưng không phải là không thể, ông Sơn từng khẳng định với tôi trong cuộc gặp vài năm trước. Cái cách ông lựa chọn từ ngữ  " đánh thức" khi nói về những tác động đến cộng đồng và Chính phủ để có được một chiến lược cho xe đạp từng khiến tôi rất tâm đắc cho dù không tránh khỏi hồ nghi ...
    -  Có một thực tế, giờ đây, ra đường, đã nhận thấy sự tham gia giao thông ngày một nhiều của chiếc xe đạp với đủ loại hình xe đạp thường, xe thể thao, xe đạp điện ... Ông hẳn nhiên là thấy vui vì điều đó?
     Dĩ nhiên là rất vui chứ! Còn nhớ 3 năm về trước, ở Thống Nhất, để khuyến khich cán bộ công nhân viên đi xe đạp đến cơ quan, công ty hỗ trợ mỗi người được nhận 10 nghìn đồng cho một ngày đi xe đạp. Thống Nhất cũng hợp tác với tập đoàn FPT để phát động  phong trào đi xe đạp ... Giờ đây, chúng tôi đã bỏ chế độ hỗ trợ tiền cho cá nhân thay vào đó là những hỗ chợ tài chính cho các câu lạc bộ xe đạp xe đi làm ở Thống Nhất ngày một lan rộng. ... Đó là nhìn từ góc độ doanh nghiệp. Còn nhìn rộng ra cộng đồng, thật vui vì đã có rất nhiều người lựa chọn đạp xe như loại hình luyện tập và sử dụng đểvđi ;làm hàng ngày ... Tôi có niềm tin, chiếc xe đạp sẽ ngày một xuất hiện nhiều hơn nữa trong đời sống người dân đô thị.
     - Tôi thì đang tự hỏi, việc có ngày một nhiều người đạp xe đạp cho thấy một trào lưu, thịnh rồi có suy. Hay sẽ là một xu thế tất yếu, thưa ông?
       Có một thực tế, cơ sở hạ tầng của chúng ta kém, những dịch vụ đi kèm để phát triển việc đi xe đạp( những bãi cho thuê xe...) chưa có nhiều, lại cộng thêm sự khắc nghiệt của thời tiết, mùa hè nắng nóng, mùa đông thì quá rét buốt ... vậy nên, phong trào đạp xe đạp khó nhân rộng. Có nhiều người dân chọn loại hình thể thao là xe đạp nhưng lại không đủ kiên nhẫn để đạp đi làm cũng vì những bất cập nói trên. Tuy nhiên, từ thực tế ở nhiều nước, tôi tin rằng, xu thế sử dụng xe không khói trong giao thông là tất yếu. Việt Nam cũng sẽ phát triển như vậy, có điều là nhanh hay chậm mà thôi. Một khi đã tạo được chuyển biến trong nhận thức của mỗi cá nhân, cộng thêm cơ chế thích hợp từ nhà nước thì điều đó hiển nhiên là sẽ sớm thành hiện thực, bầu khí quyển sẽ được cứu kịp thời hơn ...
      - Ông từ trăn trở về việc đánh thức cộng đồng, giờ điều đó phần nào đã thành hiện thực. Vậy còn về " đánh thức những nhà soạn thảo" cơ chế chính sách, liệu bao giờ có được chiến lược cho xe không khói?
      Đất nước chúng ta phát triển nhanh, đó là điều đáng mừng, nhưng mặt khác, chúng ta buộc phải trả giá khá đắt về môi trường, cho việc coi xe gắn máy và ô tô là thước đo cho sự giàu có, sang trọng. Thực ra, khi xã hội phát triển đến một mức nào đó, người ta lại muốn quay về với " ngày xưa". Như ở Mỹ, châu Âu, hay một số nước châu Á, ai đi xe đạp đến công sở đều được sự trân trọng của đồng nghiệp vì đó là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Ở nhiều nước, họ còn phân luồng giao thông riêng cho xe đạp, xe đạp được quyền đi trên vỉa hè, vậy nên họ tinh tế đến mức khi xây dựng vỉa hè, luôn làm thoai thoải để tiện cho việc lên xuống của xe đạp. Có nước còn có những ý tưởng kinh doanh  cổ súy cho xe đạp. Có nước còn có những ý tưởng kinh doanh cổ súy cho xe đạp như rạp chiếu phim vừa xem phim vừa đạp xe đạp, hay vào một quán ăn, nếu bạn đạp xe sẽ được trừ tiền ăn ... Vì vậy, tôi mong muốn Việt Nam có một chiến lược cấp quốc gia về phát triển xe đạp trong đời sống cộng đồng để có thể nhân rộng phong trào đi xe đạp. Chính phủ cần sớm có cơ chế khuyến khích cho công nghiệp xe đạp của Việt Nam để có được đội ngũ doanh nghiệp Việt đủ khỏe để phát triển xe đạp thương hiệu Việt trên sân nhà và cả ở sân khách.
   Còn nữa .....

                                                        P.V Lưu Minh Sơn
Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét