Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Tôi


   Tôi tên là Nguyễn Văn Được, sinh ngày 16 tháng 10 năm 1948 tại thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Còn nhỏ tôi học ở trường làng mà  lớp học là những đình, chùa. Từ năm 1961 đến năm 1964 là học sinh trường cấp II Phạm Hồng Thái huyện Yên Lãng (cũ). Từ năm 1964 đến năm 1967 học Trường cấp III Bến Tre, Phúc Yên. Từ năm 1967 đến năm 1973, học Đại học Công Nghiệp Bình Nhưỡng, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Từ năm 1973 đến khi nghỉ hưu (2008) là giảng viên Khoa Cầu đường Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội.

      Sở dĩ tôi mở đầu bài viết bằng bản sơ yếu " lý lịch trích ngang" này vì đây chính là hành trình suốt đời mà tôi lựa chọn: Hành trình học tập. Bởi, ngay cả khi đã là giảng viên trường đại học thì tôi vãn phải học. Không học thì có nghĩa là người thầy trong tôi không còn nữa.
      Ai là người thắp cho tôi ngọn lửa đam mê đó, ai là người đã tác động đến tôi để lựa chọn con đường đi, để tôi theo đuổi suốt cuộc đời mình như vậy? Tôi có thể nói ngay rằng đó chính là thầy chủ nhiệm lớp tôi suốt ba năm học ở Trường cấp II Phạm Hồng Thái. Bởi chính thầy với phong cách đàng hoàng với vốn tri thức phong phú, với sự say mê trong mỗi bài giảng đã thôi thúc tôi ước mong nhất định sau này mình phải theo nghề dạy học. Và, ước mong đó thành sự thật như bản " lý  lịch trích ngang" của tôi ở đầu bài viết này.
       Thầy chủ nhiệm lớp tôi dạy các môn KHXH. Điều để lại trong tôi ấn tượng đầu tiên là sự nghiêm khắc và công bằng, không thiên vị bất cứ ai. Nghiêm khắc trong sự đòi hỏi phải chính xác trong khoa học, phải nghiêm cẩn trong hành xử và phải công bằng trong cách đánh giá, nhân xét. Đối với tôi, thầy có mối quan hệ đặc biệt hơn các bạn khác đó là rất tâm đầu ý hợp với anh tôi, nhưng tôi không bao giờ được hưởng một chút  " ân huệ" nào của thầy mà ngược lại thầy còn đòi hỏi cao hơn các bạn khác. Tôi còn nhớ một lần ở lại ăn cơm với bố tôi, có cả anh tôi dự, còn tôi thì đứng "hầu" rượu bên cạnh. Thầy nhìn tôi rồi nói với bố tôi và anh tôi: " Nếu Được quý thầy thì phải học tốt hơn, thầy sẽ kiểm tra " khắt khe" hơn các bạn khác đấy". Tôi lý nhí vâng còn ông anh tôi thì khoái chí vỗ đùi cười khà khà nói: " Đúng! Đúng thế! Thầy cứ làm như các cụ dạy: Yêu cho roi cho vọt ...". Thú thực nhiều lúc cũng tức, nhưng sau này càng lớn lên và sau này làm thầy, dù đối tượng có khác, tôi thấy cách hành xử của thầy rất đúng và đó cũng là bài học làm thầy của chính tôi. Làm thầy mà không nghiêm khắc, không công bằng, mà thiên vị thì làm sao học sinh nể phục, kính trọng?
       Một ấn tượng nữa của thầy chủ nhiệm lớp tôi là sự tự tin và phong cách dạy trên lớp. Thầy gần như không bao giờ ngồi ở bàn, ngoài lúc kiểm tra bài cũ, vì thế sức bao quát lớp của thầy thật rộng. Thầy cũng không cầm giáo án và sách giáo khoa cũng ít khi sử dụng. Sau này đi dạy học, tôi biết đó là những người thầy làm chủ kiến thức, làm chủ giáo án vì tất cả đã ở trong đầu của mình và chính tôi cũng học theo thầy ở những điểm này. Có những chi tiết tưởng như rất nhỏ  nhưng thầy luôn luôn nhắc nhở chúng tôi là khi làm bài văn, nếu trích nguyên văn thì phải để trong ngoặc kép. Mà để trong ngoặc kép thì phải để nguyên văn, tức là không được phép sai dù chỉ là dấu phảy. Đó chính là tính chính xác giống như sự chính xác của tôi ở Khoa Cầu đường sau này. Làm kỹ thuật mà sai một ly là đi một dăm ngay ... Thầy luôn khuyên chúng tôi phải cố gắng thuộc lòng những đoạn văn hay những câu thơ, những bài thơ hay. Không thuộc thì lấy gì mà nói, lấy gì mà viết. Thuộc lòng khác học vẹt. Học vẹt là thuộc mà không hiểu khác gì con vẹt nói tiếng người. Môn gì thầy dạy cũng hấp dẫn. Tôi rất ấn tượng khi lên lớp 7 với những giờ địa lý của thầy. Không cần sách, chỉ một cái que đầu nhọn hoắt và tấm bản đồ thế là thầy " diễn". Dạy đâu chỉ đấy.  Lúc ấy không có bản đồ thế là thầy " diễn". Dạy đây chỉ đấy. Lúc ấy không có bản đồ in, phải sao chép từ sách giáo khoa. Lớp tôi có bạn Cánh cùng quê vẽ đẹp chuyên giúp thầy vẽ bản đồ. Thầy thường nói, mỗi một vùng đất không chỉ có những đặc điểm tự nhiên mà còn chứa đựng trong đó môt bề dày văn hóa. Tôi nhớ mãi khi thầy giới thiệu về con đèo Ngang. Thầy bảo đấy là con đèo vượt dãy Hoành Sơn. Hoành là ngang, sơn là núi. Đỉnh đèo là đường phân thủy và cũng là ranh giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, thầy đọc: " Trèo lên đỉnh dốc phân vân./  chân bước về Hà Tĩnh, dạ ái ân Quảng Bình". Rồi thầy hỏi có em nào thuộc bài thơ " Qua đèo ngang" của bà Huyện Thanh Quan không? ... Có ngờ đâu những bài giảng ấy lại gắn chặt với cuộc đời tôi khi tôi là giảng viên Khoa cầu đường Trường Đại học Xây dựng! Suốt từ Bắc chí Nam, những núi sông, làng mạc, phố phường ... không chỉ còn là những địa danh thuần túy có những con đường, những cây cầu chạy qua mà ở đó còn chứa đựng một bề dày văn hóa đúng như lời thầy tôi đã dạy.
      Sự nghiêm khắc và công bằng của thầy, những giờ dạy sinh động, hấp dẫn của thầy đã theo tôi suốt cuộc đời, đặc biệt là khi tôi đã trở thành đồng nghiệp của thầy. Đối với ai thì tôi không rõ, nhưng với tôi thì những phẩm chất như thế của những người thầy sẽ mãi mãi chẳng bao giờ là cũ cả.
                                           Tác giả: Phạm Thị Hợi
                                                  
Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét