Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

      Tôi là chú bé sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở một làng quê ven con sông Hồng bốn mùa đỏ quạch phù sa: Làng Đợ, xã Thạch Đà, huyện Yên Lãng - nay là huyện Mê Linh, Hà Nội. Hồi nhỏ tôi học cấp I trường làng. Lớn lên tôi học cấp II trường huyện. Trường huyện đặt ngay trên xã tôi. Trường mang tên Phạm Hồng Thái, người thanh niên yêu nước mà tiếng bom giết tên toàn quyền Méc - lanh ở Sa Điện, Quảng Châu, Trung Quốc của anh được các thầy dạy Sử thổi vào tâm hồn thơ bé của chúng tôi như một nhân vật huyền thoại. Tôi và nhiều bạn bè tôi đã thuộc lòng bài thơ Tố Hữu viết về anh:

        Sống, chết, được như anh
        Thù giặc, thương nước mình
         Sống, làm quả bom nổ
        Chết, như dòng nước xanh.
     Năm 1965, học xong cấp III, tôi vinh dự được sang Cộng Hòa Dân Chủ Đức học đại học. Xa quê, ở nước ngoài, dù đời sống vật chất cao hơn hẳn trong nước nhưng chúng tôi lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ quê hương. Riêng tôi, mái trường cấp II và hỉnh ảnh người anh hùng Phạm Hồng Thái luôn luôn thôi thúc tôi phải cố gắng học thật giỏi để xứng đáng với quê hương, đất nước.
      Năm 1972, tốt nghiệp Đại học ở Đức, tôi trở về Việt Nam. Về nước, tôi được phân công công tác tại Viện Quy hoạch Bộ Nông nghiệp ( bây giờ là Bộ Nông Nghiệp & PTNT). Ở Viện Quy hoạch Bộ Nông nghiệp một điều bất ngờ lớn đến với tôi, không, phải nói là một cơ duyên đến với tôi mới đúng. Ở đây tôi được gặp nhà khoa học Phạm Minh Nguyệt, người con trai độc nhất của liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Khỏi phải nói, tôi vui mừng như thế nào, hạnh phúc như thế nào. Tôi làm quen với anh và cứ có dịp là tôi lại kể về những tình cảm, những suy nghĩ tốt đẹp về ngôi trường tôi lại kể về những tình cảm, những suy nghĩ tốt đẹp về ngôi trường tôi đã học khi còn nhỏ, ngôi trường mang tên ông cụ thân sinh ra anh. Mỗi lần như thế anh Nguyệt đều rất cảm động và hứa có dịp anh sẽ về thăm.
       Rồi dịp may cũng đến. Trong một lần cùng nhau lên công tác ở Tây Bắc, khi trở về, tôi rủ anh về quê tôi chơi. Ra thăm trường, nhìn tấm biển: Trường cấp II Phạm Hồng Thái, anh rất xúc động. Tôi cùng anh đi chầm chậm thăm thú quanh trường. Anh không nói gì chỉ lắng nghe tôi nói và trầm tư suy nghĩ. Lúc ra về, một lần nữa anh quay nhìn tấm biển tên trường rồi xiết chặt tay tôi, rơm rớm nước mắt ...
       Năm 1987, do yêu cầu của tổ chức tôi về công tác ở Phúc Yên. Năm 1993, tôi cùng đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Phúc sang thăm Trung Quốc. Trong chuyến đi này Đoàn chúng tôi có chương trình thăm thành phố Quảng Châu. Và thật bất ngờ, một lần nữa cơ duyên lại đến với tôi: Đoàn đến thăm và thắp hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Phạm Hồng Thái trên Hoàng Hoa Cương. Mộ anh được đặt trang trọng bên cạnh mộ 72 liệt sĩ hy sinh trong cuộc cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc. Tôi xúc động, nghẹn ngào, cắm nén hương thơm trên mộ anh. Tôi thầm khấn: Thưa anh, đây là nén tâm nhang của tất cả cựu học sinh trường cấp II Phạm Hồng Thái kính dâng lên hương hồn anh. Rời khỏi nghĩa trang cùng đoàn về lòng tôi bâng khuâng một cách khó tả ...
       Giờ thì tôi đã nghỉ hưu, nhưng việc tôi một học sinh cũ của Trường cấp II Phạm Hồng Thái, cùng công tác với Phạm Minh Nguyệt, con trai liệt sĩ và việc tôi được đến thăm, viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Quảng Châu mãi mãi là một kỷ niệm sâu đậm trong cuộc đời tôi.
        Tôi thật không ngờ mình lại có được một cơ duyên như vậy. Có thể đây là một sự sắp đặt của tạo hóa chăng?!
                                                                  Nguyễn Văn Khanh kể
                                                                  Trần Thanh Thuẫn ghi
Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét