Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Xưa


    Trường cấp II Phạm Hồng Thái ( nay là Trường THCS Phạm Hồng Thái), cái tên trường đã đi vào lịch sử cùng với con người làm lên lịch sử: Liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Vinh dự và tự hào  được ngooig trên ghế nhà trường Phạm Hồng Thái, nơi có truyền thống cách mạng, nơi đã bồi đắp cho chúng ta kiến thức vào đời, để hôm nay biết bao thế hệ học sinh của trường ở khắp mọi miền Tổ quốc " Từ chót mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái" trở về ôn lại kỷ niệm về mái trường xưa, mái trường Phạm Hồng Thái và bồi hồi  nhớ lại: "

Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được
Chưa đánh roi nào đã khóc
                (Giang Nam).
        Tôi nhớ mãi kỷ niệm ngày 30/4/1975 được đến sân vận động của Trường cấp II Phạm Hồng Thái ( ngày đó tôi đang học lớp 4 thuộc cấp I). Sân vận động của trường cấp II Phạm Hồng Thái lúc đó như là "Sân vận động quốc gia của Thạch Đà. Cả sân trường ngày 30/04/1975 rợp cờ hoa. Các anh, các chị của trường từng hàng, từng lớp ngay ngắn làm lễ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đã gần 40 năm nhưng những hình ảnh các anh, các chị cấp II đứng nghiêm trang, chỉnh tề như " đội quân" sắp ra trận khiến tôi thầm mơ ước mình cố học giỏi để vào lớp 5 của trường. Và ước mơ ấy cũng đã thành hiện thực. Tháng 9 năm 1975 vì là học sinh giỏi cấp I, nên tôi được vào thẳng lớp 5 của trường, sau đó trở thành Liên đội trưởng của trường khóa 1975 -1978 ( tôi nhớ hồi đó mình là Liên đội trưởng có các đội " Sao đỏ" ở các lớp giúp việc nên Liên đội trưởng như là " Tư lệnh", các lớp trưởng hàng ngày phải báo cáo sĩ số của từng lớp với Liên đội trưởng, kỷ luật như quân đội).
       Những năm sau ngày thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trường THCS Phạm Hồng Thái cùng nhân dân cả nước bước sang giai đoạn mới: Giai đoạn Cách mạng Xã hội chủ nghĩa. Trường đã đào tạo bao thế hệ tiếp bước nhau đi xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trường phổ thông cấp II Thạch Đà những năm 1975 không chỉ là THCS của Thạch Đà như bây giờ mà là trường cấp II của con em các xã Hoàng Kim, Văn Khê ... Các học sinh của trường khóa 1975 - 1978 bây giờ đã lên ông, lên bà,  nhưng các anh, các chị vẫn nhớ " chiếc nôi" Phạm Hồng Thái, nhớ tiếng trống trường như nhắc nhở mọi người không quên quá khứ. Những kỷ niệm, những ký ức của một thời ngồi trên ghế nhà trường được các thầy, các cô yêu thương, quý mến như con em trong nhà. Thầy Tin ( Hiệu trưởng) cô Vĩnh (dạy toán), Thầy Can ( dạy toán), cô Bưởi ( dạy sinh vật) ... Các thầy, các cô không những dạy cho chúng tôi chữ nghĩa và những tri thức khoa học mà còn dạy cho chúng tôi nhân cách làm người, dạy cho chúng tôi biết yêu thương con người, trang bị cho chúng tôi " nhân sinh quan", nghĩa là trang bị cho chúng tôi " lẽ sống" và cách nhìn nhận về " trường đời" để sau này khi ra cuộc sống chúng tôi càng hiểu phải sống như thế nào để trở thành người có tâm, có đức, thành người tử tế có ích cho đời. Và, cũng qua chiêm nghiệm về cuộc đời càng thấm lời ru của mẹ, lời dạy của thầy, cùng ngộ ra giáo lý của nhà Phật: " Sống yên vui, danh lợi mãi coi thường; Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" và tâm nguyện sống theo. Cái đó gọi là " Đạo làm người".
       Sao gần 40 năm trở về thăm lại mái trường xưa, nhớ lại những kỷ niệm ngày đầu tới trường không khỏi bồi hồi xúc động. " Sân vận động Quốc gia" ngày nào không còn nữa. Cánh đồng thoáng đãng cũng không còn nữa. Thay vào đó là những phòng học cao tầng, khang trang, sạch đẹp; rồi thư viện và phòng đọc; rồi nhà giáo dục thể chất và phòng thí nghiệm với những trang thiết bị hiện đại, lòng không khỏi tự hào nhưng sao vẫn thấy day dứt. Chẳng lẽ chỉ cần kiến thức! Phòng giáo dục thể chất to, hiện đại vậy thì cũng tốt nhưng sao bằng được sân chơi, bài tập thoáng lại trở về tên trường ngày đầu thành lập: Trường trung học cơ sở Phạm Hồng Thái.
      Đứng giữa không gian thân thuộc của dãy xà cừ, của hàng phượng vĩ trong sân trường, bỗng nhớ đến câu ca dao thấm đẫm đạo lý của người xưa: " Công cha, nghĩa mẹ, chữ thầy. Gắng công học tập có ngày thành danh".
                                                   Tác giả: TS Đỗ Viết Minh
                                                   

Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét