Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Một

    Năm 1996, tôi nghỉ hưu ở tuổi 47, lúc đang làm Trạm phó Trạm Y tế xã Thạch Đà. Sau khi nghỉ hưu, tôi theo chồng con lên Lào Cai để cùng chồng giúp đỡ các con học tập và công tác. Từ đó đến nay đã 12 năm nhưng lòng chẳng khi nào nguôi ngoai nhớ về quê hương, nhớ về bè bạn về mái trường về thầy cô ... nơi có biết bao kỷ niệm mà tôi không thể nào quên.

       Bây giờ thì các cháu nhà tôi đều đã học hành xong xuôi, đều đã tốt nghiệp  đại học, có công ăn việc làm ổn định và cũng có thể coi là thành đạt được. Nhưng đó là nói chuyện bây giờ  chứ cứ nghĩ lại mấy chục năm về trước thì vẫn còn thấy sợ. Tất nhiên chẳng phải riêng gì tôi mà trang lứa chúng tôi đều thế cả. Vất vả nhất là khi lên học cấp II. Nửa buổi học đi học. Nửa buổi đi làm. Tuổi chúng tôi ở nhà quê đã được coi là lao động chính. Lại là con gái. Thôi thì đủ việc: cấy, gặt, làm cỏ, bón phân, mò cua, bắt ốc, cắt cỏ, chăn trâu ... chẳng thiếu việc gì mà không đến tay. Bây giờ kể lại, con cháu cứ bảo là chuyện đùa. Mười hai, mười ba tuổi, làm gì mà lắm việc đến thế. Nhưng đúng là nó thế đấy. Rồi chiến tranh ngày càng khốc liệt không chỉ ở chiến trường phía Nam mà còn lan rộng ra cả miền Bắc. Các trai làng, lớp đàn anh chúng tôi lần lượt lên đường nhập ngũ. Công việc ngày càng đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của chúng tôi. Đi học. Đi làm ở Hợp tác xã nông nghiệp để giúp đỡ gia đình. Đi lao động xây dựng trường. Đi lao động đào hầm trú ẩn ... Đi lao động ở trường, mo cơm nắm, nhiều người phải dấu bạn bè vì cơm thì ít mà ngô khoai thì nhiều. Vất vả , cực nhọc là vậy nhưng chúng tôi sống vô tư, vui vẻ lắm. Cái vô tư của tuổi học trò, rất trong sáng và đầy ước mơ. Đó  là quãng thời gian có thể nói là đẹp nhất trong thời niên thiếu của chúng tôi. Bây giờ tôi đi họp phụ huynh cho các cháu thấy có khẩu hiệu " Mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Có lẽ vì các cháu bây giờ sợ đến trường nên mới có khẩu hiệu này? Chúng có quá nhiều sức ép. Nhưng lúc đó, chúng tôi mỗi ngày đến trường là một ngày vui thật sự. Trong con mắt chúng tôi hình ảnh các thầy thật đẹp. Lúc đó cũng chưa thấy có khẩu hiệu: " Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo". Nhưng, các thầy đúng là một tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Tôi và các bạn tôi nhìn thầy hiệu trưởng còn rất trẻ với tất cả tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ. Nói như các bạn trẻ bây giờ đúng là thần tượng của tôi. Không phải riêng gì thầy hiệu trưởng mà các thầy cô khác cũng vậy, mặc dù nhiều thầy còn trẻ hơn cả các anh chị ở lớp trên chúng tôi. Lời nói, việc làm của các thầy đều là những chuẩn mực. Bây giờ nghĩ lại thấy vẫn đúng. Các thầy đã mở ra trước mắt chúng tôi cả một chân trời tri thức, giúp chúng tôi khám phá ra những điều kỳ diệu. Có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng tôi chỉ xin kể ra đây một chuyện nhỏ rất đáng  nhớ này. Chuyện thầy giáo dạy Sinh vật  nói về cấu tạo của cây lạc. Thầy giảng hết phần thân đến phần lá, phần hoa rồi thầy bỗng hỏi: Thầy đố các em cây lạc có quả không? Chúng tôi cười ồ cả lên. Lạc thì làm gì có quả. Chúng tôi là người trồng ra nó, thu hoạch nó sao chúng tôi lại không biết. Vì thế mà cả lớp đồng thanh nói: " Không ạ!". Thầy cười: Thế có củ lạc không? Chúng tôi lại cười. Ai chẳng biết củ lạc.  Không có củ sao gọi là củ lạc. Thầy ôn tồn giảng giải: Người ta quen gọi nó là củ lạc vì nó nằm dưới đất. Nhưng thực ra nó là quả lạc. Thầy giảng giải cặn kẽ vì sao nó lại là quả mà không phải là củ dù rằng nó nằm ở dưới đất như củ khoai, củ sắn ... Chúng tôi há mồm nghe vừa ngạc nhiên vừa cảm phục. Đúng  là không học thì không biết thật. Chẳng  hiểu cái ông Cô - lông-bô ở thế kỷ XV khi tìm ra vùng đất mới ở tận đẩu, tận đâu có ngạc nhiên và vui sướng như chúng tôi khi hiểu ra rawngfcur lạc là quả lạc chứ không phải là củ lạc hay không? Những kỷ niệm về mái trường Phạm Hồng Thái của tôi, về tình cảm thầy trò như thế có thể kể nghìn lẻ một đêm không hết. Đã ngót nửa thế kỷ trôi qua nhưng tôi chẳng bao giờ quên. Hình ảnh quê hương, mái trường, thầy và bạn mãi mãi in đậm trong tôi dù tôi có đi đến chân trời góc bể nào chăng nữa.
       Năm 1964, học hết cấp II, do hoàn cảnh gia đình, tôi không có điều kiện học lên nên tạt ngang đi học lớp y tá, rồi y sĩ. Học xong về công tác ở Trạm y tế xã. 20 tuổi xây dựng gia đình. 21 tuổi sinh cháu đầu lòng. 24 tuổi sinh cháu thứ hai. 27 tuổi sinh cháu thứ 3 và sáu năm sau thì sinh cháu thứ tư. Thôi thì trứng gà, trứng vịt, đứa lớn trông đứa bé. Chồng tôi, tuy cơ quan đóng ở Phúc Yên, cách nơi ở có chục cây số, nhưng rất ít khi có mặt ở nhà. Nay Hà Nội, mai Hải Phòng, rồi Thanh Hóa, nghệ An, Lào Cai, Yên Bái ... Thì cái nghề trắc địa của ông ấy nó phải thế. Được cái ông rất thương vợ, thương con. Năm thì mười họa được ngày nghỉ ông ấy làm chẳng thiếu việc gì. Tôi một nách bốn đứa nhỏ. Vừa làm y sĩ sản khoa, vừa làm công tác quản lý, vừa tham gia công tác xã hội. Cũng không hiểu lấy sức đâu mà làm nhiều việc một lúc đến như vậy. Nhờ trời các cháu đều mạnh khỏe, ngoan ngoãn, biết nghe lời, học hành chăm chỉ. Tôi vẫn thường kể cho các cháu nghe về quãng đời học sinh đầy khó khăn nhưng ngập tràn niềm vui với biết bao kỷ niệm êm đẹp của mình để động viên các cháu.
       Bây giờ thì như tôi đã nói, các cháu đã trưởng thành, vợ chồng tôi đã có thể nghỉ ngơi vui cùng con cháu. Xa quê lòng lúc nào cũng ngong ngóng nhớ quê hương, về mái trường, về các thầy, các bạn, nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ tôi nên người. Tôi nghe nói đã hai lần thầy cũ, trò xưa, xa nhau gần một phần hai thế kỷ về gặp mặt. Nhiều người thành đạt  và ở những cương vị xã hội cao, nhưng cũng không ít người chỉ bình thường như tôi. Nhưng vui và cảm động lắm. Thật tiếc vì ở xa không biết nên tôi không thể về dự. Tết vừa rồi, về thăm quê được các bạn cho biết các bạn cho biết các thầy, và các bạn trong Ban liên lạc có ý định in một cuốn sách nói về những kỷ niệm, về tình cảm thầy trò, về mái trường của một thời để nhớ. Tôi không biết làm thơ, không biết  viết văn, tôi viết bài này như một bức tâm thư gửi về quê hương, về trường cũ, thầy xưa, bạn xưa với tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc. Tôi chỉ mong có dịp được gặp bạn các thầy, các bạn ở vùng núi xa xôi, nơi gia đình, vợ chồng con cái chúng tôi đang sinh sống để chúng tôi được giãi bày nỗi niềm mong nhớ bấy lâu thì thật là hạnh phúc. Tôi lúc nào cũng mong cái ước nguyện nhỏ nhoi ấy trở thành sự thật.
                                                   Tác giả: Phùng Thị Hiền
                                                         
Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét