Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Phần


       Kết thúc khóa học chúng tôi nhận quyết định công tác theo sự phân công của tổ chức. Một con đường, một ngac rẽ mới đối với chúng tôi. Tôi khoác ba lô về Nhà máy Z117 thuộc Tổng cục kỹ thuật vào một buổi chiều cuối năm 1982, thuộc thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, một vùng đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng và lãng mạn với câu chuyện truyền thuyết về Thánh Gióng đánh giặc Ân xâm lược.

        Nhân dân địa phương kể lại rằng xóm Trôi thuộc thôn Xuân Kỳ ngày xưa được giao nhiệm vụ rèn áo  giáp sắt cho chàng trai làng Gióng mặc ra trận. Sau khi thắng  giặc, Thánh Gióng cưỡi ngựa hay về trời. Tháng Giêng hàng năm vào dịp lễ hội Đền Gióng là các địa phương lại tổ chức ăn tết lại để tưởng nhớ công ơn Người. Tết lại ở vùng quê này bắt đầu từ ngày mùng 5 tháng Giêng và kết thúc vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch, với đầy đủ nghi lễ và món ăn truyền thống của Việt Nam và tết lại cũng là dịp để họ hàng, anh em mời nhau ăn cỗ, uống rượu và vui xuân theo đúng câu ca truyền miệng: " Tháng ghiêng là tháng ăn chơi" của các làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ.
       Thôn Xuân Kỳ - xã Đông Xuân, nơi nhà máy của chúng tôi đóng quân là một địa danh lịch sử, từng có một thời gian dài bảo vệ, nuôi dấu nhiều cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong đó có bác Trường Chinh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Để thể hiện tình cảm và ghi nhớ công lao của nhân dân địa phương, bác Trường Chinh đã đặt tên hai người con của mình là Xuân và Kỳ. Sau này, khi ở cương vị lãnh đạo cao nhất, bác vẫn về thăm địa phương và dành cho cán bộ, nhân dân địa phương những tình cảm đặc biệt.
        Khi nhận nhiệm vụ về công tác tại Nhà máy Z117, trong tôi cũng có một chút tâm tư. Là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, ai cũng mong muốn, trong chiến tranh thì được chỉ huy trận mạc, còn trong thời bình thì được huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên tuyến đâug để bảo vệ Tổ quốc. Bây giờ làm việc trong môi trường sản xuất, nghiên cứu như thế này liệu mình có cống hiến được gì không, hay nói theo cách nói của các cụ là liệu có làm nên trò trống gì không. Nhưng rồi tôi đã nhanh chóng xác định, là quân nhân đã nhận nhiệm vụ đều phải hoàn thành và hoàn thành tốt. Vì Quân đội ta như Bác Hồ đã dạy " Luôn là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất:, nhiệm vụ lao động sản xuất như các nhà máy quốc phòng cũng là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn vất vả nhưng cũng rất đỗi tự hào.
       Tôi đã xác định nhiệm vụ như vậy, nên quá trình tiếp  cận với công việc mới tôi thấy thoải mái và hết sức tự tin. Mọi công việc cấp trên giao  cho tôi đều hoàn thành tốt. Nhờ có sự tận tụy của bản thân, sự hỗ trợ giúp đỡ của các đồng nghiệp và lãnh đạo đơn vị, nên trong thời gian đầu về nhà máy, công việc của tôi rất ổn định, thuận lợi và suôn sẻ. Nhưng rồi cơ chế quản lý kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung không còn tồn tại. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, nền kinh tế của đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn và thách thức. Các nhà máy, xí nghiệp, trong đó có các nhà máy sản xuất quốc phòng cũng trong tình cảnh thiếu đơn đặt hàng, thiếu nguyên vật liệu; người lao động thiếu việc làm và thu nhập thấp. Nhiều công nhân, thậm chí có cả những kỹ sư kỳ cựu của nhà máy chúng tôi cũng phải đi làm thuê bên ngoài để kiếm thêm tiền học phí cho con và trang trải cuộc sống gia đình. Không khí làm việc trong nhà máy của chúng tôi rất trầm lắng và buồn tẻ; cán bộ công nhân viên đều rất lo lắng không biết rồi tương lai nhà máy, đời sống của các thế hệ cán bộ, công nhân viên sẽ đi về đâu.
      Tôi nhớ lại thời kỳ khó khăn đó, rất nhiều thứ đã tác động đến tâm trạng của tôi, nhưng có một hình ảnh rất sâu đậm, cứ  ám ảnh tôi mãi vào một buổi sáng sớm, khi tôi từ nhà xuống đơn vị làm việc, trên đoạn đường từ Phù lỗ vào nhà máy, tôi thường nhìn thấy rất nhiều người công nhân, già có, trẻ có đạp xe ngược chiều tôi, tôi không hiểu sao họ không vào nhà máy làm việc mà lại đạp xe đi đâu vào buổi sáng sớm như thế. Thé rồi tôi cũng có câu trả lời đó là một buổi sớm mùa đông, trời rét như cắt, tôi thấy một bác công nhân già ( thợ  7/7), người gầy gò ốm yếu đang loay hoay sửa chiếc xe đạp ở bên đường, tôi dừng lại và hỏi xe bác đi đâu? Bác nói rằng bác đi làm thuê cho một phân xưởng cơ khí của tư nhân để lấy tiền mua gạo và đóng học phí cho con trai của bác đang học đại học ở Hà Nội. Bác nói phân xưởng của bác không có việc làm, bác và nhiều anh em phải thay nhau nghỉ, tiền lương mấy tháng vừa rồi đều bị  " âm" nên đành phải đi làm thuê. Nghe bác công nhân nói vậy tôi thật sự xúc động và vô cùng day dứt; tôi hiểu rằng bác công nhân " bậc 7" đó chỉ là một trong số rất nhiều công nhân của nhà máy có hoàn cảnh như thế và tôi tự nhủ với bản thân là phải làm được một việc gì đó để giúp đỡ cho những người thợ quân giới suốt đời gắn bó với nhà máy, gắn bó với quân đội để họ có công ăn việc làm tại chính nhà máy của mình, để có thu nhập và cuộc sống tốt hơn. Nhiều đêm tôi suy nghĩ và có nhiều kế hoạch, nhiều dự định đã được hình thành trong đầu của tôi thời kỳ đó.
                         Còn nữa ....
                                              Tác giả: Lê Thanh Bình
                   Trung tướng - Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc Phòng
                                            Bộ Quốc phòng
                                          
Xem thêm các bài viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét